Điều dưỡng là nghề thuộc lĩnh vực Y tế, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của ngành Y cũng như sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Bên cạnh sứ mệnh cao cả đó; do nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, vai trò của người điều dưỡng càng nặng nề và gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình công tác.
Khi đến bệnh viện, ta thường thấy những người mặc áo blouse, mỗi người tùy vào vị trí sẽ có những tên gọi khác nhau như bác sĩ (BS), điều dưỡng (ĐD), hộ lý…Trong đó, ĐD là người có nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân cả về thể chất lẫn tinh thần theo hướng dẫn và yêu cầu cụ thể của BS điều trị. Một ĐD viên thường cùng lúc chịu trách nhiệm chăm sóc nhiều người bệnh khác nhau. Phụ thuộc vào điều kiện của từng bệnh viện, mà khối lượng cũng như nội dung công việc của các ĐD cũng khác nhau. Trong hoạt động, ĐD chính là những người thực hiện các kỹ thuật cơ bản như: lập kế hoạch, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật cấp cứu và hỗ trợ điều trị như tiêm thuốc, truyền dịch, thay băng, sơ cứu vết thương, sử dụng trang thiết bị Y tế, ghi bệnh án. Đây là một bộ phận có chức năng nghề nghiệp chuyên biệt là chăm sóc và giúp người bệnh thực hiện các hoạt động hàng ngày. Bên cạnh đó, họ còn là người ghi sổ đăng kí người bệnh vào viện, bệnh án, chuyển khoa, chuyển viện, ra viện; báo cáo sức khỏe người bệnh hằng ngày, hằng tháng; bảo quản bệnh án, sổ sách trong khoa, hướng dẫn thủ tục về BHYT…cũng như hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ chăm sóc, đóng góp vào việc phục hồi, nâng cao sức khỏe cho người bệnh.
Trên thực tế, BS và ĐD cùng điều trị & chăm sóc trên cùng người bệnh, nhưng tiếp cận của BS và ĐD không hoàn toàn giống nhau. BS khám bệnh chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị hay can thiệp điều trị. Thì ĐD cũng cần biết khám bệnh để đưa ra can thiệp ĐD. BS là người lựa chọn thuốc, ĐD là người biết dùng thuốc sao cho hiệu quả nhất. Sự an toàn của người bệnh không chỉ phụ thuộc vào người chỉ định mà còn phụ thuộc vào người dùng thuốc và ĐD luôn là người trợ giúp người bệnh về điều đó cũng như chăm sóc cả về thể chất và tinh thần. Như vậy, ĐD là người cộng tác đặc biệt của bác sĩ. Bởi vì, công việc của BS và ĐD luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau và cùng giúp nhau hành nghề an toàn, cũng như giúp nhau giảm stress trong môi trường chăm sóc sức khỏe đang có nhiều áp lực.
Bên cạnh đó, ĐD không chỉ được học những kiến thức hay kỹ năng tay nghề đơn thuần mà còn phải biết và thấu hiểu thêm nhiều lĩnh vực khác như: xã hội, tâm lý, kỹ năng giao tiếp, giáo dục Y học,…và luôn biết vận dụng, sử dụng nhiều máy móc hiện đại trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Ngoài làm việc tại Bệnh viện, Phòng khám, tai xỉu md5 , Trạm Y tế… họ còn có thể chăm sóc bệnh nhân tại nhà; hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tại các đơn vị hành chính, các tổ chức Y tế; nghiên cứu về khoa học điều dưỡng, sáng kiến, cải tiến các quy trình khám chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Nếu có trình độ cao và giàu kinh nghiệm, thậm chí còn có thể tham gia đào tạo các khóa học về nghiệp vụ điều dưỡng.
Nhìn chung, ĐD có vai trò quan trọng, góp phần vào nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh một cách toàn diện. ĐD là nhân tố luôn gắn liền với sự phát triển của bệnh viện, mang lại uy tín cũng như sự tin tưởng của người bệnh khi vào viện. Bởi mục tiêu phục vụ của điều dưỡng là hướng tới mọi quyền lợi của người bệnh và mọi sự chăm sóc đều vì người bệnh. Từ đó có thể khẳng định rằng, những đóng góp to lớn và những cống hiến thầm lặng của ĐD cho sức khỏe người dân đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng và điều trị cho bệnh nhân, nâng cao uy tín của đơn vị, cũng như sự phát triển của cả hệ thống Y tế./.
Nguyễn Minh Thời
TTYT Tịnh Biên